Vốn hoá thị trường là gì? Ý nghĩa của Vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường (VHTT) (hay Market Capitalization) là tổng giá trị hiện tại của các tất cả cổ phiếu đang được công ty lưu hành trên thị trường. Cũng có thể hiểu, Vốn hoá thị trường của một doanh nghiệp xác định bằng tổng số tiền phải bỏ ra để mua lại doanh nghiệp đó theo giá thị trường tại thời điểm mua.

Vốn hoá thị trường là gì? Công thức tính

Vốn hóa thị trường (Market Cap hay Market Capitalization) được định nghĩa là tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của một công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với định nghĩa này, chúng ta có thể hiểu rằng vốn hóa thị trường chính là giá trị của công ty được định giá bởi thị trường chứng khoán.

Vốn hoá thị trường là gì? Ý nghĩa của Vốn hóa thị trường 1
Vốn hoá thị trường là gì? Công thức tính

Do đó, vốn hóa thị trường chính là chỉ tiêu đo lường quy mô của doanh nghiệp, là giá trị thị trường của doanh nghiệp đó, hay nói một cách dễ hiểu nhất thì vốn hóa thị trường có thể được sử dụng làm giá trị ước tính tổng số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp ở thời điểm mua.

Công thức tính vốn hóa thị trường

Market Cap = Tổng số phiếu đang lưu hành của một công ty được niêm yết * giá thị trường của 1 cổ phiếu.

Trong đó:

Cổ phiếu được tính trong công thức chỉ là loại cổ phiếu thường hay cổ phiếu phổ thông, không tính đến các cổ phiếu ưu đãi.

Lưu ý: chúng ta hay nhầm lẫn giữa số cổ phiếu đang lưu hành và số cổ phiếu phát hành. Cổ phiếu đang lưu hành là cổ phiếu bán ra cho công chúng và được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Còn cổ phiếu phát hành là bao gồm cả cổ phiếu đang lưu hành, cổ phiếu lưu hành nội bộ (sở hữu bởi các thành viên nội bộ của công ty), cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu quỹ (cổ phiếu được công ty mua lại)…

Giá thị trường của cổ phiếu: là mức giá đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán, giá này được quyết định dựa vào kỳ vọng của nhà đầu tư đối với tiềm năng phát triển của công ty.

Ví dụ về cách tính vốn hóa thị trường của tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC)

Tại thời điểm thực hiện bài viết này,

  • Tổng số cổ phiếu đang lưu hành là: 3.813.935.561 cổ phiếu
  • Giá thị trường của cổ phiếu là: 52.800 VND

Vậy, vốn hóa thị trường của VIC tại thời điểm này = 3.813.935.561 * 52.800 = 201.375,80 tỷ đồng.

Ý nghĩa của vốn hoá thị trường đối với nhà đầu tư

Vốn hóa thị trường của một công ty cho biết điều gì?

Việc xác định vốn hóa thị trường của một công ty trên thực tế không quá khó như việc xác định giá trị thực của công ty đó. Mặt khác, vì vốn hóa thị trường có thể được sử dụng để đo lường quy mô doanh nghiệp, một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá triển vọng, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp đó trong tương lai. Cho nên, vốn hóa thị trường là một trong những công cụ phân tích được sử dụng phổ biến bởi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Vốn hóa thị trường càng cao thì doanh nghiệp càng lớn, càng dễ tạo dựng được uy tín và lòng tin đối với nhà đầu tư. Vốn hóa thị trường lớn, tức khối lượng giao dịch lớn, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ cao. Thanh khoản cao giúp nhà đầu tư mua, bán cổ phiếu một cách nhanh chóng với mức giá tốt và không mất nhiều chi phí giao dịch. Khả năng thoái vốn (bán cổ phiếu để chuyển sang tiền) nhanh.

Một công ty có vốn hóa thị trường lớn cho thấy sự phát triển bền vững nên được đánh giá là an toàn hơn so với các công ty có giá trị vốn hóa thị trường nhỏ.

Do đó, đối với công ty, vốn hóa thị trường giúp đối tác của họ có thể đánh giá được tiềm năng phát triển, tạo cơ hội hợp tác lâu dài. Đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, vốn hóa thị trường là một tiêu chí lựa chọn cổ phiếu để đầu tư theo khẩu vị rủi ro.

Vốn hoá thị trường phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Quay trở lại công thức tính vốn hóa thị trường

Market Cap = Tổng số cổ phiếu phổ thông * giá thị trường của cổ phiếu

Vậy thì, có 2 yếu tố tác động trực tiếp đến vốn hóa thị trường, đó là số lượng cổ phiếu phổ thông và thị giá của cổ phiếu. Khi một trong hai hoặc cả 2 yếu tố này cùng thay đổi thì vốn hóa thị trường của công ty sẽ thay đổi.

Thứ nhất, vốn hóa thị trường phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu phổ thông

Tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty niêm yết mặc dù có thể thay đổi nhưng không thường xuyên. Yếu tố này thường chỉ thay đổi khi:

  • Công ty phát hành thêm cổ phiếu: số lượng cổ phiếu lưu hành tăng. Tuy nhiên, nếu là chia tách cổ phiếu thì hoạt động này mặc dù sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành nhưng giá của cổ phiếu sẽ giảm xuống theo tỷ lệ tương ứng, do đó, giá trị vốn hóa thị trường không đổi.
  • Mua lại công ty khác: số lượng cổ phiếu lưu hành tăng, vốn hóa thị trường tăng
  • Bán đi một phần công ty: số lượng cổ phiếu lưu hành giảm, vốn hóa thị trường giảm
  • Mua cổ phiếu quỹ: số lượng cổ phiếu lưu hành giảm

Thứ hai, vốn hóa thị trường phụ thuộc vào giá của cổ phiếu

Sau khi IPO và bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của công ty sẽ được xác định dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu của công ty đó. Nếu các nhà đầu tư có nhu cầu cao về cổ phiếu của công ty đó nhờ những yếu tố thuận lợi trong hoạt động của doanh nghiệp, giá của nó sẽ tăng lên. Ngược lại, khi xuất hiện điều kiện bất lợi như tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của công ty được đánh giá không tốt, nhà đầu tư sẽ bán chúng ta, giá cổ phiếu sẽ giảm xuống.

Ngoài các tác động nội tại của doanh nghiệp ảnh hưởng đến kỳ vọng của nhà đầu tư thì các yếu tố kinh tế khác như lạm phát, lãi suất, các sự kiện chính trị, xã hội… cũng ảnh hưởng đến thị giá của cổ phiếu.

Cách phân loại doanh nghiệp theo vốn hoá thị trường

Dựa vào vốn hóa thị trường, quy mô doanh nghiệp sẽ được chia thành 4 cấp độ chủ yếu sau: Large cap hay Big cap (Vốn hóa lớn), Midcap (vốn hóa vừa), Small cap (vốn hóa nhỏ) và Micro cap (Vốn hóa siêu nhỏ).

Large cap: là những công ty thường tồn tại trong một thời gian dài trên thị trường và họ là những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực, ngành nghề của mình. Đầu tư vào các công ty có vốn hóa thị trường lớn không nhất thiết sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, các công ty large cap thường mang lại sự gia tăng ổn định và bền vững trong giá trị cổ phiếu và hưởng lợi từ chi trả cổ tức.

Vốn hoá thị trường là gì? Ý nghĩa của Vốn hóa thị trường 2
Cách phân loại doanh nghiệp theo vốn hoá thị trường

Mid cap: là những công ty được thành lập và hoạt động trong một ngành nghề, lĩnh vực dự kiến ​​sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh. Các công ty có vốn hóa trung bình đang trong quá trình mở rộng nên tiềm ẩn rủi ro cao hơn so với các công ty vốn hóa lớn, ngược lại, chúng lại rất hấp dẫn nhờ tiềm năng tăng trưởng tốt.

Small cap: là những công ty có tuổi đời trẻ hơn. Thường hoạt động trong các thị trường ngách hoặc các ngành công nghiệp mới. Đầu tư vào những công ty small cap này có rủi ro cao hơn.

Vốn hoá thị trường là gì? Ý nghĩa của Vốn hóa thị trường 3
Cách phân loại doanh nghiệp theo vốn hoá thị trường

Micro cap: là những công ty non trẻ, nguồn lực yếu ớt nên nhạy cảm hơn với biến động của thị trường. Một công ty micro cap thường không thể trụ vững trong thời kỳ khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế.

Với từng quốc gia cụ thể, giới hạn về vốn hóa thị trường là khác nhau ở từng cấp độ.

Chẳng hạn như với thị trường chứng khoán Mỹ:

  • Large cap: vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD
  • Mid cap: vốn hóa thị trường từ 2 đến 10 tỷ USD
  • Small cap: vốn hóa thị trường từ 300 triệu đến 2 tỷ USD
  • Micro cap: vốn hóa thị trường dưới 300 triệu USD

Ngoài ra, còn một cấp độ lớn hơn Large cap, gọi là Mega Cap (vốn hóa siêu lớn), là những công ty có vốn hóa thị trường trên 200 tỷ USD và một cấp độ nhỏ hơn Micro cap, gọi là Nano cap là những công ty có vốn hóa thị trường dưới 50 triệu USD.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam

  • Large cap: vốn hóa thị trường trên 10 nghìn tỷ đồng
  • Mid cap: vốn hóa thị trường từ 1 nghìn đến 10 nghìn tỷ đồng
  • Small cap: vốn hóa thị trường từ 100 tỷ đến 1 nghìn tỷ
  • Micro cap: vốn hóa thị trường dưới 100 tỷ

Bên cạnh các thuật ngữ trên thì ở thị trường chứng khoán, nhà đầu tư còn sử dụng các thuật ngữ khác để chỉ cấp độ vốn hóa thị trường của doanh nghiệp, như Bluechip (chỉ các công ty có vốn hóa thị trường lớn), Penny (công ty có vốn hóa thị trường nhỏ), vốn hóa thị trường trung bình vẫn được gọi là Midcap.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – VCB (429.239,00 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BID (232.186,00 tỷ đồng), CTCP Vinhomes – VHM (209.010,00 tỷ đồng), Tập đoàn VINGROUP – VIC (201.376,00 tỷ đồng) và Tổng Công ty Khí Việt Nam – GAS (196.180,00 tỷ đồng) là top 5 công ty Bluechip tại thị trường Việt Nam.

Phân biệt vốn hóa thị trường và giá trị thực của doanh nghiệp

Mặc dù có thể đo lường được quy mô của doanh nghiệp nhưng vốn hóa thị trường không phải và cũng không thể hiện được giá trị thực của công ty vì vốn hoá thị trường chủ yếu phụ thuộc vào kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong khi vốn hoá thị trường đo lường giá trị vốn chủ sở hữu của công ty, thì giá trị thực của doanh nghiệp lại đo lường toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản nợ, tài sản và tiền mặt. Giá trị thực của doanh nghiệp được tính toán phức tạp hơn rất nhiều, nhưng nó chính là chỉ tiêu mô tả bức tranh cực kỳ rõ ràng về giá trị nội tại của doanh nghiệp đó.

Giá trị thực của doanh nghiệp = vốn hoá thị trường + giá trị cổ phiếu ưu đãi đang lưu hành + nợ – tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt.

Giá trị thực của doanh nghiệp được sử dụng để xác định giá của một công ty nếu nó được mua lại hoàn toàn. Trong khi đó vốn hoá thị trường chỉ là giá trị ước tính. Đối với nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ sử dụng giá trị thực của doanh nghiệp cùng với những dữ liệu hiệu suất khác để xác định xem giá thị trường của cổ phiếu hiện tại có đang bị định giá thấp hơn hoặc cao hơn so với giá trị nội tại của nó hay không. Nếu có sự khác biệt giữa chúng, những nhà đầu tư này cho rằng, sự điều chỉnh sẽ là điều tất yếu xảy ra để cổ phiếu quay về đúng giá trị thực của nó. Nếu cổ phiếu đang bị định giá thấp, thị trường sẽ điều chỉnh tăng, là cơ hội để nhà đầu tư được mua cổ phiếu với giá rẻ. Ngược lại, nếu cổ phiếu đang bị định giá cao, thị trường sẽ điều chỉnh giảm, nhà đầu tư muốn thoái vốn sẽ được bán cổ phiếu với mức giá cao hơn.

Vốn hoá thị trường là gì? Ý nghĩa của Vốn hóa thị trường 4
Phân biệt vốn hóa thị trường và giá trị thực của doanh nghiệp

Một công ty có thu nhập ổn định và cổ tức cao, nhìn bề ngoài thì có vẻ là một cổ phiếu tốt. Thậm chí vốn hóa thị trường cũng thuộc nhóm bluechip. Nếu là một nhà đầu tư hời hợt, bạn sẽ cho rằng cổ phiếu này nên nằm trong danh mục đầu tư của mình. Mặt khác, một nhà đầu tư thận trọng sẽ xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị thực của doanh nghiệp, một khi họ phát hiện ra vấn đề, chẳng hạn như công ty đang có các khoản nợ nghiêm trọng, đó chính là điều kiện bất lợi cho việc sở hữu cổ phiếu này.

Xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả dựa vào vốn hoá thị trường.

Một trong những nguyên tắc đầu tư chứng khoán để giảm thiểu rủi ro chính là đa dạng hóa danh mục đầu tư, mà chúng ta vẫn hay nói là không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ. Nguyên tắc này dễ hiểu, cơ bản, ai cũng biết nhưng lại có rất nhiều người không thực hiện.

Trong đầu tư chứng khoán, đa dạng hóa danh mục đầu tư theo vốn hoá thị trường nghĩa là các cổ phiếu có trong danh mục đầu tư của bạn phải bao gồm đầy đủ hoặc không được duy nhất một hoặc một nhóm cổ phiếu có cùng cấp độ vốn hoá thị trường. Tức, danh mục đầu tư phải có sự kết hợp của cổ phiếu vốn hoá lớn, cổ phiếu vốn hoá vừa và cổ phiếu vốn hoá nhỏ.

Tuy nhiên, tỷ lệ giữa chúng là bao nhiêu thì lại phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi nhà đầu tư đối với danh mục của mình.

Một nhà đầu tư thích sự an toàn và mong muốn một danh mục đầu tư tăng trưởng ổn định trong dài hạn, họ sẽ dành phần lớn danh mục của mình cho các cổ phiếu bluechip. Một nhà đầu tư muốn lợi nhuận tăng trưởng nhanh trong vài năm tới, các cổ phiếu midcap sẽ chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư của họ.

Đối với nhà đầu tư mới, các bạn nên chọn hướng đi an toàn. Mặc dù các cổ phiếu bluechip không tạo ra tỷ suất sinh lợi lớn, nhưng về lâu dài, bạn sẽ có được lợi nhuận ổn định, bền vững hơn. Đặc biệt, cổ tức hấp dẫn của những công ty vốn hoá thị trường lớn này chính là nguyên nhân để bạn nên sở hữu các cổ phiếu bluechip trong danh mục đầu tư của mình.

Và để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, bạn cũng nên sở hữu một vài mã cổ phiếu của các công ty midcap. Ngoài ra, đa dạng hóa danh mục đầu tư còn liên quan đến đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực, địa lý… và nếu có đủ vốn, các bạn cũng có thể đa dạng hóa danh mục bằng cách đầu tư vào các quỹ…

Trên đây chia sẻ của traderplus.net về vốn hóa thị trường. Mong rằng qua bài viết, bạn đã hiểu vốn hóa thị trường là gì và những nhóm vốn hóa tương ứng. Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!

Chú ý:

Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. TraderPlus không chịu trách nhiệm đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.
  • Thông tin liên hệ:
  • Địa chỉ: Việt Nam
  • Phone: 08.xxx.xxx
  • Email: traderplusvn@gmail.com
  • Website: https://traderplus.net/



    Đăng ký khóa học 1Đăng ký TraderĐăng ký khóa học lệnhĐăng ký thông tin

    Nếu thấy bài viết HAY chia sẻ ngay!

    TRADER PLUS

    Trader Plus kênh thông tin tổng hợp kiến thức, tin tức, thị trường từ môi trường internet trong lĩnh vực trader forex, coin, tài chính, đầu tư. Mọi thông tin được nghiên cứu tổng hợp từ dữ liệu thị trường. Độc giả tự chịu trách nhiệm về thông tin kiến thức