Xin chào cả nhà!
Dưới đây tin tức cập nhật mới nhất trong thị trường ngày 20/05/2020
Cập nhật tình hình virus
Brazil hiện đang là điểm nóng nơi virus phát triển nhanh nhất thế giới, chiếm 13% số ca nhiễm mới trên toàn cầu trong tuần qua, trong khi số ca nhiễm tại Ấn Độ thì tăng với tốc độ nhanh nhất châu Á – lên tới 100.000 trường hợp. Thủ tướng Nga quay trở lại văn phòng 3 tuần sau khi xét nghiệm dương tính với virus – đây là giai đoạn chứng kiến tổng số ca nhiễm tại Nga tăng gần như gấp ba, chỉ dưới 300.000 trường hợp. Liên minh châu Âu chỉ trích lời đe dọa đóng băng vĩnh viễn khoản tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới của Tổng thống Donald Trump và cho rằng cuộc chiến chống chọi với coronavirus cần phải có sự hợp tác toàn cầu. Trong một diễn biến khác, Trung Quốc có thể sẽ nhắm đến mục tiêu xuất khẩu từ Úc để trả đũa lại lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Trong khi đó, thành phố New York đang vật lộn để đáp ứng các tiêu chuẩn cho việc mở cửa trở lại và vẫn đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng. Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo đã khen ngợi về sự tiến bộ ở khu vực thủ phủ của tiểu bang và Long Island.
Thị trường đi xuống
Chứng khoán châu Á đã sẵn sàng theo chân chứng khoán Mỹ đi xuống thấp hơn sau khi các báo cáo lưu hành rằng nghiên cứu vắc-xin của Moderna Inc. – góp phần tạo nên cú tăng trong ngày hôm qua – đã không tạo ra đủ dữ liệu quan trọng để đánh giá thành công của nó. Trái phiếu Kho bạc tăng giá. Thị trường giao sau tại Nhật Bản, Hồng Kông và Úc đều sụt giảm. Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 1%, mất điểm trong giờ giao dịch cuối cùng. Các tài sản rủi ro hơn đã khởi đầu tuần mới bằng một lợi thế sau khi tin tức từ Moderna thúc đẩy sự kỳ vọng về vắc-xin điều trị coronavirus, nhưng các nhà đầu tư đang chật vật để duy trì sự lạc quan khi tiếp tục theo dõi các nỗ lực ngăn chặn đại dịch và quá trình khởi động lại nền kinh tế. Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang – ông Jerome Powell đã nhắc lại trong phiên điều trần của Thượng viện rằng ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng sử dụng tất cả đạn dược trong kho vũ khí của mình để giúp nền kinh tế Hoa Kỳ vượt qua vũ bão đại dịch coronavirus.
Tăng cường nắm giữ cổ phiếu
Trong khi các đối thủ nặng ký trên Phố Wall bao gồm Stan Druckenmiller và David Tepper có thể đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thị trường chứng khoán, nhưng một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới lại đang ra sức gắn bó hoặc tăng cường nắm giữ. Các chiến lược gia và nhà quản lý vốn tại Capital Group, Franklin Templeton và BlackRock Inc. – cùng nhau giám sát khoảng 8,8 nghìn tỷ đô la – cho biết cổ phiếu vẫn hấp dẫn ngay cả khi mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm coronavirus thứ hai xuất hiện vào thời điểm mà không có giải pháp y tế. Vậy lý do của họ là gì? Chúng ta đã bước qua giai đoạn đầu tiên của đợt bùng phát, các ngân hàng trung ương và chính phủ đang hỗ trợ thị trường và cổ phiếu đang trở nên hấp dẫn so với các loại tài sản khác như trái phiếu. Nhóm giải pháp đa tài sản Franklin Templeton – quản lý khoảng 123 tỷ đô la – dự kiến sẽ tăng số vốn cổ phần được nắm giữ từ giữa tháng 3. Nhóm nghiên cứu đang đặt cược rằng cổ phiếu toàn cầu sẽ vượt trội hơn so với trái phiếu cho đến cuối năm 2021, theo Wylie Tollette, người đứng đầu dịch vụ khách hàng.
Mối đe dọa từ tình trạng thất nghiệp
Mối đe dọa chính trị thấp thoáng của Chủ tịch Tập Cận Bình hiện tại là tình trạng thất nghiệp của hàng triệu công dân trên khắp Trung Quốc. Mặc dù không tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ, nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ bên trong nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia 1,4 tỷ người. Trong một bài phát biểu vào ngày 31/12/2019, ông Tập cho biết năm 2020 sẽ đánh dấu một “cột mốc quan trọng” khi Trung Quốc hoàn thành việc “xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải”. Như dự kiến ban đầu, mục tiêu đó bao gồm việc tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 so với năm 2010, đồng thời tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bị thách thức bởi sự suy thoái kinh tế kéo dài và cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc, nên những mục tiêu đó đột nhiên đã bị đại dịch coronavirus đẩy ra ngoài tầm với. Thực tế này sẽ được làm rõ trong cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp trong tuần này – một sự kiện chính trị lớn nhất trong năm tại Trung Quốc: Lần đầu tiên, chính phủ của ông Tập Cận Bình có thể sẽ tránh đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong nhiều thập kỷ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải gánh chịu một hiệu suất tồi tệ nhất sau thời kỳ của ông Mao Trạch Đông.
Quay trở lại trước thời kỳ toàn cầu hóa
Sự thành công của nước Úc trong việc kiềm chế sự lây lan của Covid-19 đang giúp quốc gia này dần dần gỡ bỏ một số hạn chế, ngay cả khi phần lớn đất nước vẫn còn đang đóng cửa khỏi phần còn lại của thế giới, đưa nền kinh tế quay trở lại trước thời kỳ toàn cầu hóa. Khai thác và nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ cho xuất khẩu, chính phủ vẫn đang tìm cách khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, dòng khách du lịch, sinh viên và người nhập cư từ nước ngoài đã bị đóng băng, tạo ra hy vọng cho sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Biên giới khép kín và sự phụ thuộc vào nội địa đã đưa nền kinh tế quay trở lại những năm 1980, trước khi Úc dỡ bỏ thuế quan, mở cửa giao thương. Các cửa hàng và nhà hàng đang dần mở cửa trở lại, nhưng để thúc đẩy sự phục hồi trong tiêu dùng thì các hộ gia đình cần phải gạt đi những lo ngại về sự đảm bảo của công ăn việc làm và nợ để thúc đẩy chi tiêu. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện dễ dàng!
Chú ý:
Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. TraderPlus không chịu trách nhiệm đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.- Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ: Việt Nam
- Phone: 08.xxx.xxx
- Email: traderplusvn@gmail.com
- Website: https://traderplus.net/
Nếu thấy bài viết HAY chia sẻ ngay!